Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ Logistics

Đăng ngày 01/04/2022 lúc: 08:59229 lượt xem

Sáng 30/3, tại TP Cần Thơ, Tổng công ty (TCT) Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh các Doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dưới góc độ logistics”. Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc TCT Tân Cảng Sài Gòn chủ trì.

Tham dự còn có các ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP Cần Thơ; Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ; Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang; Phạm Hồng Tươi, Chi cục trưởng chi cục Hải quan TP Cần Thơ; đại diện các công ty thành viên thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và hơn 500 người tham dự trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, youtube, zoom…

Định hướng phát triển ngành logistics trở thành mũi nhọn khu vực ĐBSCL

Với vai trò là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí địa lý thuận lợi gồm mạng lưới đường thủy dài và chất lượng cao, có khả năng khai thác vận tải, có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra, vào sông Hậu…

Tuy nhiên, hiện tại việc phát triển hệ thống logistics khu vực ĐBSCL đang gặp khó khăn như thiếu ngân sách đầu tư, chi phí vận tải của doanh nghiệp rất cao do thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, hệ thống giao thông cảng, đường bộ còn hạn chế, đã làm tắc nghẽn chuỗi logistics, dẫn đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa… khiến vùng ĐBSCL phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có.

Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phát biểu tại hội thảo.

Với mục tiêu “Đẩy mạnh liên kết phát triển và phát triển hạ tầng giao thông kết nối với Vùng Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh” nhằm khai thác lợi thế, phát triển có hiệu quả sản xuất thủy sản, cây ăn quả, lương thực gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra cho ĐBSCL thì ngành logistics cần xác định trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn và nhóm ngành cần được ưu tiên, có vai trò hỗ trợ cho nhóm ngành sản xuất kinh doanh.

Đề xuất giải pháp từ các yếu tố khó khăn nội tại

Qua không khí thảo luận sôi nổi, các chuyên gia cho thấy bức tranh tổng thể về khu vực ĐBSCL, những khó khăn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đến từ các yếu tố nội tại như thiếu sự đầu tư về cơ sở hạ tầng kết nối và cơ sở hạ tầng logistics, dịch COVID-19, cước tăng cao, thiếu chỗ, thiếu rỗng… nhất là trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, giá nhiên liệu biến động phức tạp.

Từ đó, đề xuất định hướng giải bài toán tiết giảm chi phí – thời gian vận tải, tạo sự liên kết vùng… thông qua việc đề xuất các chính sách hỗ trợ, thu hút logistics từ địa phương; thành lập các câu lạc bộ doanh nghiệp, hiệp hội logistic hỗ trợ cùng phát triển, nâng cao sức cạnh tranh từ phía các doanh nghiệp, tiêu biểu là sự trợ lực từ các doanh nghiệp lớn như TCSG.

Góp ý kiến thảo luận tại hội thảo, Đại diện Chi cục Hải quan TP Cần Thơ, Sở Công thương TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang đồng quan điểm về những khó khăn nội tại đối với ngành logistics tại vùng ĐBSCL. Đồng thời, cho thấy về phía địa phương đã và đang cố gắng tháo gỡ với các chính sách cụ thể, tạo điều kiện phát triển và thu hút các doanh nghiệp logistic đầu tư và phát triển tại khu vực.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ trình bày tham luận “Nâng cao năng lực cạnh tranh các Doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ logistics”.

 Cần vận dụng nguồn lực lớn đi đầu

Kết luận tại hội thảo, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc mong muốn tạo được cầu nối giữa các doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành, các hiệp hội và thực sự khấn khởi khi nghe sự định hướng, kế hoạch phát triển logistics vùng ĐBSCL để kết nối và phát triển các nhà cung cấp dịch vụ logistics từ các đơn vị; kết quả kinh doanh vượt mức kỳ vọng của hãng tàu Maersk Sealand khi tiên phong mở container rỗng tại cảng Tân cảng Cái Cui (đạt 100 Teu/tuần và dự kiến sẽ tăng lên mức 200 Teu/tuần); kế hoạch mở rộng thêm dịch vụ lạnh tại Tân cảng Cái Cui, Tân cảng Sa Đéc là một tín hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái tích hợp của TCSG hướng đến mục tiêu “đặt khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh” mang cảng đến gần chân hàng nhằm đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tại địa phương.

Với 18 cảng biển trải dài từ Bắc tới Nam thuộc quy mô lớn nhất Việt Nam, TCSG chiếm 55% thị phần khai thác container của cả nước. Bên cạnh mảng dịch vụ cảng biển, TCSG còn là nhà cung cấp các hạ tầng dịch vụ logistics đầy đủ từ dịch vụ kho bãi với trên 1 triệu m2 kho, vận tản thủy và bộ với gần 2000 xe đầu kéo, nhiều xe tải nhỏ và 110 sà lan cho các dịch vụ trong nước và quốc tế. Đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, TCSG đóng vai trò là đơn vị dẫn dắt thị trường với các dịch vụ đang dạng và tiên phong.

Sự đồng hành của TCSG cùng các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, các hiệp hội với ĐBSCL vào thời điểm hiện tại là vô cùng cấp thiết và khẩn trương, tập trung nguồn lực tạo bàn đạp, thúc đẩy hệ thống logistics ĐBSCL vươn mình mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong chuỗi cung ứng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng, tăng thu nhập cho người sản xuất và phát triển mạnh kinh tế liên kết khu vực ĐBSCL

Nguồn: https://biendao24h.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cac-doanh-nghiep-tai-dong-bang-song-cuu-long-duoi-goc-do-logistics/

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *